Vị trí địa lý đặc biệt hàng trăm năm đã mang tới cho Nam Ô dấu ấn giao hoà về văn hoá không nơi nào có được: những di chỉ Chăm Pa và Đại Việt, những công trình đặc trưng văn hoá làng chài ven biển. Tất cả đã làm nên đời sống văn hoá tinh thần, tín ngưỡng tâm linh phong phú và đậm đà bản sắc. Tích sử lưu dấu trong những câu chuyện từ người dân làng chài, trong ngôi miếu vọng phủ rêu nấp dưới tàng cây xanh ngắt trên ghềnh đá, trong những mùa ra khơi ngôi mộ Tiền Hiền lại tấp nập ngư dân tới cầu xin phước lành.
Năm Tân Sửu (1301), Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông du ngoạn Chăm Pa, được vua Chế Mân tiếp đãi rất nồng hậu, ân cần và hết sức chân thành. Cảm kích tấm lòng của vị vua Chăm, Thái Thượng Hoàng đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Nhà vua Chăm Pa cũng thể hiện thành ý bằng việc dâng hai châu Ô, Lý (Rý) làm sính lễ.
Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), Huyền Trân Công chúa lên thuyền sang Chiêm Thành, trở thành Hoàng hậu Paramecvari của vương quốc Chăm Pa. Việc Huyền Trân Công chúa lên ngôi Hoàng hậu xứ Chăm Pa được ghi lại như một trang huyền sử hào hùng về quá trình mở mang bờ cõi của Đại Việt về phía Nam.
Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), vua Chế Mân qua đời đột ngột, theo tục lệ của người Chiêm, Công chúa phải tuẫn táng nhưng do Huyền Trân đang mang thai nên việc hỏa thiêu được phép lùi lại. Tháng 10 cùng năm, Nhà Trần đưa võ tướng Trần Khắc Chung và Đặng Văn cùng tùy tùng đi thuyền sang Chiêm quốc viếng tang và giải cứu Huyền Trân.
Trên đường trở về, đoàn quân ghé qua làng Nam Ô, được dân làng tiếp đón và che chở. Tại đây, Công chúa đã có thời gian dạy người dân làm nông nghiệp theo cách của người Đại Việt nên rất được yêu mến và quý trọng. Sau này khi bà mất, dân làng Nam Ô đã dựng một ngôi miếu vọng để thờ bà trong rừng cấm trên núi Hòn Phụng.
Theo tích sử, trên hành trình “giải cứu" Huyền Trân Công chúa, khi tới Nam Ô, đoàn võ tướng nhà Trần đã bị bao vây bởi quân Chăm Pa. Để giải vây, một viên tùy tướng đã anh dũng hy sinh khi chỉ huy một đoàn quân đánh chặn hậu để tướng Trần Khắc Chung dùng thuyền nhỏ đưa Công chúa Huyền Trân ra khơi trở về quê hương. Để tưởng nhớ vị tướng, dân làng chôn cất và phong làm Tiền Hiền của làng. Những người lớn tuổi trong làng Nam Ô thường ví sự nằm lại của ngài Tiền Hiền Triệu Cơ (Tiền Hiền mở cõi) như một gạch nối trong diễn trình Nam tiến của đất nước Đại Việt.
Trong một số tài liệu được ghi ghép lại bởi Hội đồng chư phái tộc làng Nam Ô, Mộ Tiền Hiền còn là nơi chôn cất của vị trưởng làng. Theo đó, năm 1400, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần và đánh luôn đất Chiêm Thành. Chiêm Thành phải nhường hai mảnh đất nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi để nhà Hồ bãi binh.
Đến năm 1407, nhà Minh đem quân xâm lược nước ta. Để thực hiện âm mưu đồng hóa nước ta, chúng bắt dân ta lập đền thờ Thành Hoàng bổn xứ và miếu Ngũ Hành. Bại trận, quân Việt lưu lạc khắp nơi, có người đã đến làng Nam Ô ngày nay khai khẩn và lập nhà ở. Khi ông mất, người dân tưởng nhớ công ơn nên lập Mộ Tiền Hiền và xây dựng đình làng để thờ giỗ Tiền Hziền vào ngày 24 tháng 6 Âm lịch hằng năm.
Tài liệu xuất bản đầu tiên có ghi chép về di tích tại Xuân Dương, Xuân Thiều (thuộc Hoa Ổ xã theo ghi chép cũ) là sách Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến “cổ tháp Trà Vương di tích”. Hơn 100 năm trước, Henri Parmentier đã tiến hành cuộc khảo sát và ghi lại trên tập san của Viện Viễn Đông Bác cổ (BEFEO): “Ông Cosserat, ở Huế, có chỉ cho chúng tôi một vị trí kiến trúc Chăm gần trạm Nam Ô, dưới chân đèo Hải Vân, sát bờ biển và chúng tôi đã tiến hành cuộc thám sát nhanh vào ngày 19.4.1923”.
Năm 2015, sau khi đào thám sát tại phế tích tháp Chăm Xuân Dương, đoàn của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tìm được dấu tích nền của di tích cùng nhiều gạch Chăm. Nghiên cứu về di tích Chăm Xuân Dương, Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Trưởng phòng lịch sử khảo cổ (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng trong hệ thống tháp Chăm dọc miền Trung được xây dựng ven biển thì vị trí xây dựng của Xuân Dương rất đặc biệt.
“Năm 1306, theo thỏa thuận sính lễ thì vua Chế Mân đồng ý cắt hai Châu Ô và Châu Lý để được cưới Huyền Trân công chúa, diện tích này bao gồm hết cả bờ bắc sông Thu Bồn nên tháp Xuân Dương cũng nằm trong phạm vi này. Tuy nhiên, sau đó người Chăm cương quyết không giao vùng đất này cho nhà Trần, mà một trong những lý do người Chăm quyết giữ là có liên quan đến tháp Xuân Dương. Bởi tháp Xuân Dương có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Chăm. Nơi họ làm lễ cúng trước khi ra biển và định hướng từ biển vào đất liền, là tiền cảng thị của người Chăm ở vùng đất này”.
Từ nhiều tài liệu ghi chép về quá trình tìm kiếm di chỉ văn hoá Chăm tại Quảng Nam, 4/6 giếng Chăm tồn tại trên địa bàn Đà Nẵng nằm ở khu vực Nam Ô, bao gồm Giếng Đình, giếng Thành Cung, giếng Cồn Trò, giếng Lăng.
Trong 4 giếng Chăm vuông còn hiện diện tại Nam Ô, Giếng Lăng là điểm nổi tiếng nhất và là một trong “Nam Ô Thất Bảo”. Giếng được tạo lập thời “Bảo Đại thập niên (1935), Ất Hợi tuế, lục nguyệt tạo” như dòng chữ Hán lưu khắc trên thành giếng. Thành giếng được chế tác từ đá thanh (đá xanh) - một nét đặc trưng trong chế tác giếng của người Chăm. Mặc dù có vị trí rất gần mép biển nhưng nước Giếng Lăng hoàn toàn không có vị lợ hoặc bị nhiễm phèn. Nhiều người trong làng truyền rằng, ngày xưa, người nào bị đau bụng, đầy hơi, khó tiêu... chỉ cần ra giếng múc vài ngụm nước để uống là khỏi.
Xưa kia, các thuyền buôn của thương nhân Nam Bắc thường ghé bến Nam Ô lấy nước ngọt giếng này dùng cho sinh hoạt dài ngày trên biển. Nhà sử học - Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng cho biết: “Thư tịch cổ Ả Rập - Ba Tư cho biết từ thế kỷ VIII-XVI người Chăm Pa vẫn cung cấp, xuất khẩu nước ngọt từ các giếng này cho thuyền buôn quốc tế”.
Ngày nay, Giếng Lăng vẫn là nguồn mạch nước trong, sạch, ngọt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Không kể đêm ngày, những gầu nước đầy vẫn được kéo lên từ lòng giếng để cung cấp cho dân làng Nam Ô cũng như du khách sử dụng như hàng trăm năm trước.
Theo các cụ cao niên trong làng, ban đầu đình Nam Ô được xây ở mé Nam Hòn Phụng. Đình lưng dựa hướng Tây mặt quay về hướng Đông trên một địa trạch có phong thủy tốt, trước mắt là biển, bên hông là rừng cây cổ thụ ngàn năm xào xạc vi vu.
Tương truyền, xưa có một vị thượng quan ghé qua, cảm kích vẻ đẹp của làng đã ứng tác một bài tứ tuyệt, được các cụ cho chép lên vách đình:
"Trác phụng hàm châu bán nguyệt hình
Án tiền đường lộng khởi tam tinh
Triều lai ngũ thủy trừng thanh bạch
Văn võ đinh tài thạnh phát minh."
Tác giả ví ngôi đình như một viên ngọc trong hàm con chim phụng giữa vùng vịnh Đà Nẵng có hình bán nguyệt. Tiền đường nhìn ra hướng biển, đón những đợt thủy triều xanh trong nên tráng đinh trong làng phát cả về nghề văn lẫn nghiệp võ.
Sau khi bị hư hại nặng bởi cơn bão năm Ất Mão (1915), dân làng dời về địa điểm hiện nay, tổ dân phố 37 Nam Ô 1. Vị trí mới này nằm sát bến sông Nam Ô, tiện việc giao thông đường thủy, nên đình được nhiều tao nhân mặc khách các nơi ghé thăm.
Miếu Âm Linh (Dinh Cô Hồn) là một di tích có giá trị văn hóa lịch sử, chứa đựng tính nhân văn, nhân đạo của dân làng Nam Ô.
Năm Mậu Ngọ (1858), khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đem binh thuyền tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, ở phía chân đèo Hải Vân. Súng thần công của quân ta từ Nhà trạm Nam Ô nổ ầm ầm ngày đêm để phòng thủ nhưng cũng không ngăn được bước tiến của quân giặc.
Sau trận chiến, quân triều, lính trạm, dân binh, nạn dân hy sinh nhiều. Ngoài một số thi thể được các tộc họ trong làng đem về tống táng, còn lại hài cốt của của hàng ngàn dân binh, nghĩa sĩ “vị quốc vong thân” trong trận chiến khốc liệt đã được an nghỉ tại Nghĩa trũng Nam Ô. Hương hồn của những người hy sinh được đưa về thờ tại Miếu Âm Linh. Sau này ngư dân trong làng mở rộng thờ chiến sĩ tử trận qua các thời kỳ, những hương hồn xiêu mồ lạc nấm của các chư phái tộc trong làng.
Theo tục truyền của dân làng Nam Ô, điều kiêng kỵ nhất với ngư dân ra khơi là làm rơi đồ xuống biển. Vì vậy, nếu trong chuyến hải trình, nếu có ngư dân nào làm rơi đồ, ngay khi trở về đất liền, phải đến Miếu Âm Linh, vẽ lại món đồ bị mất lên giấy, làm lễ cúng trong miếu rồi mang ra bờ biển đốt thành tro. Nghi thức này sẽ giúp giải đi vận xui cho những người dân làng chài.
Đối với những làng chài Việt Nam, lễ hội cầu ngư và công trình thờ tự cá Ông (cá voi) là nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng. Lăng cá Ông là nơi thờ cốt cá Ông, loài cá được cho là “thần hộ mệnh” của ngư dân mỗi khi có gió to sóng lớn, Ông sẽ đưa tàu thuyền về bờ bến an toàn.
Theo người xưa truyền lại, Lăng Cá Ông được dựng năm 1802, thời vua Gia Long, trên nền đền thờ Hải thần của người Chăm. Lăng thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần (hay còn gọi là thần Nam Hải - cá Ông). Tương truyền đó là sự “đền ơn đáp nghĩa” của Gia Long khi nhà vua bôn tẩu đã được Ông Ngư (cách gọi trọng thị của người dân Nam Ô đối với cá Ông) cứu giúp.
Lăng Ông Nam Ô được tôn tạo lần đầu vào năm Tự Đức thứ tư (1851) như dòng hàng chữ ở góc bức hoành phi “Trạc Quyết Linh” hiện còn tôn trí ở gian giữa lăng. Đến năm Bảo Đại thứ mười (1934), lăng Ông được tôn tạo lần thứ hai và giữ nguyên trạng đến nay. Trong gian hậu tẩm của lăng còn lưu giữ bài vị và hàng chục thạp sành chứa di cốt Cá Ông (Ông Ngư) hàng trăm năm qua.
Hàng năm, vào khoảng 15/2 Âm lịch, người làng Nam Ô vẫn tổ chức Lễ hội Cầu ngư, với ước vọng cầu ngư đắc biển. Trong lễ hội cầu ngư có tổ chức hát bội, hát bã trạo; thi đấu các trò chơi dân gian như: đua thuyền, lắc thúng, kéo co, đẩy sào…
Cách cụm di tích Miếu Âm Linh - Lăng Cá Ông - Giếng Lăng chừng một cây số về phía ghềnh đá Nam Ô là Miếu Bà Liễu Hạnh. Sự hiện diện của ngôi miếu là minh chứng cho sự phát triển văn hoá tín ngưỡng của cư dân Đại Việt khi di cư đến vùng đất mới của người Chăm Pa.
Tục thờ Bà Chúa Liễu Hạnh trong "Tứ bất tử" (Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh) là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc ta nói chung, Miếu thờ Bà Chúa Liễu Hạnh là công trình thờ phụng tín ngưỡng tâm linh của dân làng Nam Ô. Đó là tinh hoa chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử, biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, là chỗ dựa tâm linh trên vùng đất mới bao đời, để vươn tới khát vọng xây dựng một cuộc sống vật chất phồn vinh và tinh thần hạnh phúc.
Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Bà Liễu Hạnh là con thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, ba lần giáng xuống trần gian sống cuộc đời của người phụ nữ bình dị với khát vọng tự do, hạnh phúc. Triều đình nhà Nguyễn sau này nhiều lần ban sắc phong cho bà là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”. Theo các cụ cao niên trong làng, Miếu Bà Liễu Hạnh từng được xem như là chốn linh thiêng nhất ở đất Đà Nẵng, là nơi người dân xứ Quảng tìm về cầu xin phước lành vào mỗi mùa rước lễ.
Ba làng Nam Ô, Xuân Thiều, Xuân Dương thời xưa vốn là một làng liền cõi có tên gọi là Hoa Ổ - Xuân Sơn; có đình chung, miếu chung thờ thần, chùa chung thờ Phật. Miếu Bà Bô Bô là một trong số đó. Ngôi miếu cổ đã tồn tại trên 150 năm kể từ lần tôn tạo sau cùng.
Theo hồ sơ về Cụm di tích lịch sử Nam Ô do Phòng Văn hóa và Thông tin quận Liên Chiểu cung cấp, bà Bô Bô là vị thần người Chăm bảo trợ cho cư dân sông biển, được cư dân người Việt trong đó có biển Đà Nẵng nói chung và cư dân vùng Nam Ô nói riêng thờ tự và cúng tế.
Trong những thần có sắc tứ (được vua ban tặng) thờ trong miếu, có hai vị Thượng đẳng thần là Thiên Yana (Bà Mẹ Xứ sở Chăm) và Cao Các Quảng Độ (Nữ thần Đại Việt) thờ ở gian giữa. Gian bên trái có bài vị “Bô Bô Phu nhân Sắc tứ Trung đẳng thần” và “Bổn xứ Thành hoàng Sắc tứ Bảo an Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần”. Giá trị của ngôi miếu này là ở độ cổ kính nguyên sơ trong kiến trúc từ vật liệu Chăm đến kiểu làm người thợ Việt để các nữ thần Việt “cộng cư” với các nữ thần Chăm hòa thuận trong miếu suốt 150 năm qua.
Bên sông, bên biển, dòng nước hiền hoà không chỉ mang đến cho làng biển Nam Ô cảnh sắc hữu tình, là chốn dừng chân của bao đời vua chúa. Những “ưu ái” của thiên nhiên còn đưa Nam Ô trở thành cái tên đứng đầu “bảng vàng” ẩm thực. Người xưa truyền rằng thuở xưa Quảng Nam có 5 thức quà nổi tiếng nhất được dành dâng vua, hay còn gọi là “ngũ phẩm cung tiến”, bao gồm: xoài Phong Lệ, loòng boong Đại Lộc và 3 món đến từ Nam Ô là gỏi cá, nước mắm, mứt biển. Trên cả một vùng xứ Quảng rộng lớn, có sông có núi, có biển có rừng, vậy mà chỉ riêng làng biển bé nhỏ đã góp tới 3 món, đó là lý do Nam Ô xứng đáng trở thành quán quân trong làng cống phẩm.
Với người Nam Ô, bí kíp làm nên loại nước mắm ngon nhất là phải đúng mùa cá, đúng loại cá cơm than ở vịnh Đà Nẵng, ngay chính cửa sông Cu Đê. Ông Ngô Đình Khôi - Tổng đốc Quảng Nam, là anh trai Ngô Đình Diệm từng cho người tới Nam Ô học nghề, mua cả cá chở về Hội An để làm thử mắm Nam Ô nhưng không thành công.
Những giỏ cá đầy sắp sau mỗi chuyến đi khơi, khi mang về sẽ được rửa thật sạch, lấy đá đè lên, sau 3 tháng để muối phủ, ngấm vào tận xương cốt cá cho đều đặn và chín mới lấy đá ra, rồi dùng mái chèo khuấy. Phải mất từ 10 đến 12 tháng ủ ròng, qua nhiều lần lọc, nước mắm “nước đầu” được chiết ra chum để trong mát một thời gian cho bốc hơi lên, dịu đi. Nước mắm Nam Ô hảo hạng sẽ có sắc đỏ trong veo, không gợn vẩn, bỏ vài hạt cơm vào thì hạt cơm sẽ nổi lên.
Đến nay, những người cao niên trong làng vẫn còn nhớ từ thập niên 1930 đến trước thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và sau đó là những năm 1960, ga trạm Nam Ô hằng năm đến mùa lọc mắm đã tập kết cả ngàn thùng nước mắm, chất lên nhiều toa tàu chở đi phân phối khắp nơi.
Sau những tháng mùa đông lạnh, bãi rêu Nam Ô hiện ra trong nắng xuân với sắc xanh biếc. Khi thời tiết ấm dần lên cũng là lúc lớp rêu phủ trên đá bắt đầu khô dần, cứng lại. Đây là lúc người dân Nam Ô sẽ tới các bãi đá, bãi rạn để cạo mứt.
Trước kia, người ta lùng mua mứt để bán cho nhà hàng của Hoa kiều ở Chợ Lớn – nơi giới thiệu món ăn truyền thống này của Nam Ô. Người Hoa thường mua mứt về, sơ chế và chế biến cầu kỳ hơn thành món ăn chỉ phục vụ cho giới thượng lưu, quý tộc. Với các tên gọi là: món súp tóc tiên, bí đao, bí đỏ, nấu tóc tiên, tóc tiên nấu giò, canh súp…
Xưa, các đầu bếp ở cung đình triều Nguyễn, qua tư vấn của ngự y, căn cứ vào tính mát, bình của mứt mà phối hợp các món khác có dược tính, để chế biến thành các món ngon cho các vua dùng. Ai đã từng thưởng thức một tô canh mứt mới cảm nhận được sự phục sinh của khứu giác, vị giác đã chai lì bởi các món cao lương mỹ vị; mới cảm nhận được một giấc ngủ sâu sau khi ăn và sự tràn đầy sinh lực sau giấc ngủ.